ĐẠI HỘI ĐẢNG, NHỮNG MÙA XUÂN, NHỮNG MỐC SON CHÓI LỌI!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐẠI HỘI ĐẢNG, NHỮNG MÙA XUÂN, NHỮNG MỐC SON CHÓI LỌI!

Trên chặng đường lịch sử vẻ vang 89 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1930 – 2019), Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua mười hai kỳ đại hội. Mỗi đại hội là một mốc son quyết định trực tiếp đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam, tạo niềm tin thủy chung của Nhân dân vào Đảng - Người tổ chức, lãnh đạo và đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ngay từ khi mới ra đời năm 1930, đường lối đúng đắn của Đảng trong Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt… đã nêu rõ mục tiêu, phương hướng của cách mạng Việt Nam “Làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”. Đại hội lần thứ nhất của Đảng (năm 1935) đã tổ chức, lãnh đạo, cổ vũ quần chúng Nhân dân đấu tranh rộng rãi khắp cả nước chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Tháng 8/1945, Đảng lãnh đạo Nhân dân chớp thời cơ ngàn năm có một, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

     Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Nhân dân ta hưởng độc lập, tự do chưa lâu thì ngày 23/9/1945, được sự hà hơi tiếp sức của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, chính thức xâm lược nước ta lần thứ hai. Dân tộc Việt Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, chung sức đồng lòng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”,trường kỳ kháng chiến, từng bước giành thắng lợi trên các mặt trận kinh tế - xã hội, quân sự. Tháng 2/1951, tại Tuyên Quang, Đại hội lần thứ II của Đảng khai mạc, tập trung lãnh đạo cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn phản công trên các chiến trường. Quân và dân cả nước liên tục giành những thắng lợi to lớn, cùng nhau trải qua “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, làm nên Điện Biên Phủ“lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” (7/5/1954), buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, là căn cứ địa cách mạng, hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

     Đại hội lần thứ III (năm 1960) của Đảng tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam. Đảng ta đề ra đường lối tiến hành đồng thời chiến lược cách mạng hai miền: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Nhân dân cả nước quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Sau 21 năm dũng cảm hy sinh quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược; trang sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam được đánh dấu bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

     Dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng, Nhân dân ta tin tưởng, hồ hởi, náo nức đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ IV (năm 1976), Đại hội lần thứ V (năm 1982) của Đảng đề ra mục tiêu, mô hình, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội chủ nghĩa; xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xác định chặng đường đầu tiên cả nước bước vào xây dựng chế độ xã hội mới… Tuy vậy, kết quả đạt được chưa đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, khó khăn trước mắt của đất nước vẫn còn, có phần ngày càng trầm trọng!

     Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 – Đại hội đổi mới toàn diện, đồng bộ, triệt để trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt đổi mới về tư duy phát triển kinh tế. Đường lối đổi mới của Đảng đã mở ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng thời đặt nền tảng cho việc tìm ra con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp điều kiện Việt Nam, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo.

     Những thành quả quan trọng đầy ấn tượng của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước là cơ sở, tiền đề quan trọng để cả dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thách thức vì sự bao vây cấm vận của chủ nghĩa đế quốc và sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa tại các nước Đông Âu và Liên Xô. Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn phát triển, chính trị - xã hội ổn định, nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và tiến bước vững chắc, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng, nhất là quan hệ với các nước láng giềng và trong khu vực, các nước lớn và các trung tâm lớn của thế giới, các bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng. Thành quả của sự nghiệp đổi mới đã tạo ra thế và lực mới cho Việt Nam. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” ban hành tại Đại hội lần thứ VII (năm 1991) của Đảng xác định mô hình xã hội chủ nghĩa gồm 6 đặc trưng, trong đó nêu bật đặc trưng của xã hội mà Nhân dân ta xây dựng là xã hội “do Nhân dân lao động làm chủ”. Đặc trưng này thể hiện lý tưởng cao đẹp của nhân loại, khát vọng cháy bỏng ngàn đời của con người. Bổ sung, phát triển và cụ thể hóa các đặc trưng, Đại hội lần thứ IX (năm 2001), lần thứ X (năm 2006) của Đảng khẳng định quyết tâm xây dựng đất nước ta theo con đường xã hội chủ nghĩa - một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ văn minh. Sự khẳng định này không chỉ thể hiện mục tiêu cách mạng và lý tưởng của Đảng mà còn là khát vọng cháy bỏng của Nhân dân Việt Nam muốn thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện.

Đại hội XI (năm 2011) của Đảng, tiếp tục khẳng định nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991), mở ra chặng đường mới để nước ta phát triển nhanh và bền vững. Đại hội XII (năm 2016) của Đảng, kế thừa và phát triển những quan điểm lớn được nêu trong Nghị quyết Đại hội XI về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; về xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; về tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Sau Đại hội XII, cán bộ và Nhân dân ta đặc biệt quan tâm và đặt kỳ vọng vào Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, thể hiện tinh thần kiên trì, kiên quyết triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa sống còn, đó là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật sự là đảng cầm quyền trong sạch, trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo, vững vàng trước tình hình mới.

     Kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và từng bước phát triển, quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng, đời sống Nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, công tác xây dựng đảng càng được coi trọng. Đẩy mạnh Cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng ta ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay. Nhằm phát huy kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã tiếp tục ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

     Việc thực hành làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến rõ nét, từng bước ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, việc đưa những cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, tham nhũng, cố ý làm trái ra xử lý đúng người, đúng tội đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Nhân dân. Qua đó, làm cho tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, ý thức trách nhiệm với công việc được giao của cán bộ được nâng lên, góp phần khắc phục một bước tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Niềm tin của cán bộ và các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố và nâng cao.

     Thực tiễn sinh động, phong phú và những thành tựu to lớn cùng những bài học sâu sắc qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, là cơ sở vững chắc để Đảng ta đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, dân tộc. Sự đồng lòng, nhất trí và tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là nguồn sức mạnh vô tận. Chúng ta nhất định thành công trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tự hào với những thắng lợi đã đạt được, trong niềm hân hoan đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục thực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây chính là cơ sở nền tảng vững chắc để Nhân dân tiếp tục sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn: Xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.  

     6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa: Do Nhân dân lao động làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Con người được giải phóng khỏi áp bức bóc lột bất công, làm theo năng lực hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc; Có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với Nhân dân các nước trên thế giới.

     Cương lĩnh đã nêu 8 đặc trưng về Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là:Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do Nhân dân làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.


Ban tuyên giáo HU Hoài Nhơn


Nguồn:hoainhon.binhdinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết