DÂN SỐ VÀ LAO ĐỘNG [1]

1. Dân số

Năm 2017, dân số trung bình tỉnh Bình Định là 1.529.020 người. Mật độ dân số trung bình 251,8 người/km2, bằng 93% mật độ trung bình của cả nước (274 người/km²); tỷ lệ dân số thành thị chiếm 31,03%, nông thôn chiếm 68,97%; dân số nam chiếm 48,85%, dân số nữ chiếm 51,15%.

Bình Định có dân tộc Kinh (chiếm 98%), ngoài ra còn có các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Ba Na và Hrê sinh sống ở các huyện miền núi và trung du.

Dân cư trên địa bàn tỉnh phân bố không đều, mật độ dân số toàn tỉnh là 251,8 người/km2; dân cư tập trung đôngnhất tại khu vực thành phố Quy Nhơn (mật độ dân số trung bình 1007,2 người/km2), tiếp đến là tại thị xã An Nhơn (mật độ trung bình 752,8 người/km2), huyện Hoài Nhơn (mật độ trung bình 502,2 người/km2); thấp nhất là huyện Vân Canh với 31,6 người/km2.

2. Lao động

Sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Định đã tác động tích cực đến cơ cấu lao động của tỉnh theo xu hướng giảm tỷ trọng lao động thuộc khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Tính đến 31/10/2017, lực lượng lao động trẻ 15 tuổi trở lên là 936.191 người, trong đó làm việc trong nền kinh tế khoảng 907.892 người, làm việc ở khu vực thành thị là 260.798 người và ở nông thôn là 647.094 người.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đạt 19,5% được chia ra ở nhiều cấp trình độ chuyên môn kỹ thuật khác nhau từ công nhân kỹ thuật không bằng đến trình độ tiến sỹ; trong đó nhiều nhất là công nhân kỹ thuật chiếm 52,1% trong tổng số lao động đã qua đào tạo.

Có sự khác nhau đáng kể về phân bố lực lượng lao động theo tuổi giữa khu vực thành thị và nông thôn. Chất lượng của lao động tỉnh Bình Định còn thấp, đây là thách thức lớn trong việc đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

 

KINH TẾ - XÃ HỘI [2]

Trong giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế - xã hội Bình Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên lĩnh vực kinh tế, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) theo giá so sánh 1994 của tỉnh tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 là 9,2%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 40,1 triệu đồng, tăng 22,4 triệu đồng so với năm 2010. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm 2011 - 2015 ước đạt 2.888 triệu USD, tăng trưởng trung bình 8,4%/năm. Thu ngân sách của tỉnh luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra hàng năm và tăng bình quân 9,7%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 5 năm 2011 - 2015 đạt 24.178 tỷ đồng; trong đó, năm 2015 ước đạt 5.500 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách Nhà nước địa phương năm 2015 ước đạt 9.596,1 tỷ đồng; chi ngân sách cơ bản đáp ứng kịp thời kinh phí cho hoạt động của các ngành, các cấp, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,3% năm 2011 xuống 6,25% năm 2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP tăng từ 29,2% lên 30,4%; dịch vụ tăng từ 36,2% lên 41,9%; nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 34,6% xuống còn 27,7%; trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản phát triển toàn diện với năng suất, sản lượng cao; công nghiệp đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình; dịch vụ ngày càng khởi sắc. Kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn được tập trung đầu tư thoả đáng, diện mạo ngày càng khang trang, đẹp đẽ. Hệ thống đường giao thông, hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp được ưu tiên hoàn thiện, nâng cấp, là tiền đề thu hút, tiếp nhận các dự án đầu tư, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hầu hết các chỉ tiêu về xã hội và môi trường đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Sau 5 năm, cơ sở vật chất ngành giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học, công nghệ tiếp tục được tăng cường. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp học mầm non, phổ thông và các cơ sở dạy nghề phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh. Trên 98% trạm y tế có bác sĩ, hệ thống bệnh viện các tuyến được đầu tư hoàn thiện, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Công tác xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, đào tạo nghề được chú trọng, an sinh xã hội được đảm bảo. Khoa học, công nghệ có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng một số cây trồng, vật nuôi, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, cung cấp một số luận cứ khoa học cho việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hoạt động văn hoá, thể thao được đẩy mạnh, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.

Cùng với việc từng bước đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong 5 năm 2011 - 2015, tỉnh Bình Định cũng đã chú trọng công tác xây dựng, quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư, du lịch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và đào tạo nhân lực, coi đây là những yếu tố quyết định đến sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Bình Định hiện được xem là một trong những địa phương có môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, cởi mở, đã và đang là điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư tiềm năng và du khách trong, ngoài nước. Với các chính sách tích cực trong đào tạo, thu hút, giữ chân người tài, trình độ nguồn nhân lực của tỉnh cũng đang được nâng lên, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và tình hình mới.

[1] Nguồn: Cục Thống kê Bình Định; Niên giám Thống kê tỉnh Bình Định năm 2017

[2] Nguồn: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020.