Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, tích cực giúp đỡ cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, tích cực giúp đỡ cộng đồng

     Rời quân ngũ năm 1984 với tỷ lệ mất sức lao động lên đến 81%, người cựu chiến binh Võ Thanh Triên ở thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ vẫn miệt mài công tác ở địa phương thêm 26 năm trước khi về với gia đình. Và ở tuổi 56 ông lại bắt tay vào làm kinh tế với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Những tưởng tuổi già kèm bệnh tật sẽ là trắc trở lớn nhất, nhưng một lần nữa bản chất người lính trong ông lại nổi dậy, khó khăn trở thành động lực để giúp ông tìm tòi, học hỏi nghề nuôi tôm và trở thành một lão nông thành đạt với lãi suất nuôi tôm mỗi năm đạt từ 2-5 tỷ đồng.

      Mặc dù đã bước sang tuổi 64 nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Hàng ngày ông đều đặn đi kiểm tra các ao tôm của gia đình từ 2-3 lượt. Ông cho biết: “Việc nuôi tôm muốn thành công thì yêu cầu kĩ thuật phải đặt lên hàng đầu, do đó, mỗi ngày tôi đều dành thời gian ra các hồ nuôi để theo dõi tôm, xem lượng thức ăn, kiểm tra độ Ph,… từ đó có giải pháp để điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, với tình hình thời tiết thất thường như hiện nay cần phải liên tục theo dõi sát sao con tôm”.

      Năm 2010 ông chính thức bước vào nghề nuôi tôm với diện tích ban đầu khoảng 1ha, sau 8 năm miệt mài, trăn trở với nghề hiện nay gia đình ông đã có tổng diện tích thả nuôi gần 4ha. Nói về những gian khó trong 8 năm gắn bó với con tôm ông cho biết: “Giai đoạn khó khăn nhất với tôi có lẽ đó là năm 2013, lúc đó diện tích ao nuôi mới được 1ha, khi vừa đầu tư nâng đáy, lót bạt, thả con giống thì mưa lụt về, toàn bộ nguồn vốn mất trắng, ao nuôi không khác gì bãi chiến trường. May nhờ sự động viên, hỗ trợ của người thân trong gia đình, bạn bè và nguồn vốn vay từ ngân hàng mới giúp tôi vượt qua được giai đoạn đó”.

     Ngoài tạo việc lao cho các thành viên trong gia đình, hiện nay với 14 hồ nuôi, gia đình ông đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, tùy theo mức lãi suất thu được ở mỗi vụ ông cũng thưởng cho mỗi người lao động từ 2-10 triệu đồng nên họ rất phấn khởi và gắn bó lâu dài với công việc.

     Ngoài giải quyết việc làm thường xuyên cho các lao động ông còn thuê thêm hàng trăm nhân công làm thời vụ ở những thời điểm công việc nhiều như dọn vệ sinh ao nuôi sau khi thu hoạch và xuất bán tôm với mức thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/người, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

     Song song với làm giàu cho gia đình, ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mình có được với những hộ nuôi trong vùng. Ông tâm sự: “Hiện vùng nuôi xung quanh tôi có 18 hộ cùng nuôi, bản thân tôi được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng ban quản lý vùng nuôi nên có điều kiện thường xuyên sinh hoạt gần gũi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Những năm gần đây, nhờ áp dụng tốt quy trình kĩ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí ao nuôi nên hầu hết anh em trong vùng nuôi đều có lãi khá. Đối với một số hộ nuôi khó khăn về kinh tế, tôi cũng sẵn sàng cho mượn không lấy lãi để họ có điều kiện để đầu tư nâng cấp hồ tôm, mua con giống,… với tổng số tiền cho mượn đến nay trên 470 triệu đồng”.

     Ông Trần Tuyết ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải được ông cho mượn 200 triệu đồng không tính lãi để đầu tư nuôi tôm với diện tích 3.600m² mặt nước cho biết: “Trước đây tôi làm nghề biển, hai vợ chồng tôi cũng dành dụm được số vốn đóng tàu nhưng năm 2015 phương tiện khai thác hải sản của gia đình xâm phạm lãnh hải nước ngoài bị tịch thu. Trong lúc khốn khó nhất, may nhờ cậu Triên cho mượn 200 triệu đồng cộng với vay mượn thêm anh em, họ hàng vợ chồng tôi mua hồ đầu tư nuôi tôm. Ngoài giúp đỡ bằng tiền, cậu Triên cũng thường xuyên hướng dẫn quy trình kĩ thuật nên 3 năm qua gia đình tôi cũng có được nguồn thu kha khá từ nuôi tôm, ổn định cuộc sống”.

     Bên cạnh việc giúp đỡ các hộ nuôi tôm, gia đình ông còn tích cực tham gia đóng góp cho xã hội. Theo đó, gia đình ông đã hỗ trợ 20 triệu đồng cho thôn Mỹ Khánh làm đường bê tông, hỗ trợ cho một số người đau bệnh gặp khó khăn tại bệnh viện cũng như ở địa phương là 20 triệu đồng, đóng góp mua vật dụng tại nghĩa trang liệt sỹ xã Hoài Mỹ 25 triệu đồng, hỗ trợ quỹ khuyến học dòng họ 8 triệu đồng. Đặc biệt, ông còn cho các đồng đội, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn vay mượn từ 20 triệu đến 50 triệu đồng để xây dựng, tu sửa nhà cửa, làm ăn,... Ông cho biết: “Trong lúc chiến tranh ác liệt, đến miếng cơm, miếng nước còn san sẻ được cho nhau, bây giờ mình có điều kiện hơn thì cũng tạo điều kiện để những đồng đội có cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống”.

     Với những nỗ lực, đóng góp của bản thân, ông được vinh dự là một trong ba đại biểu được lựa chọn tham dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2018 vừa được tổ chức ngày 19.7 tại TP Vũng Tàu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề

Nội dung đang cập nhật...