Về quê lập nghiệp từ chăn nuôi
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về quê lập nghiệp từ chăn nuôi

     Hiện nay, nhiều thanh niên xác định không chỉ bám trụ ở các thành phố mới có việc làm, về quê sản xuất, chăn nuôi cũng là một lựa chọn giúp họ phát triển kinh tế mà không cần phải rời xa gia đình. Anh Nguyễn Thanh Toàn- thôn Trung Hoá xã Tam Quan Nam là một điển hình.

     Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, cũng như bao bạn bè trang lứa, Toàn chọn thành phố Quy Nhơn- nơi mình sinh sống và học tập suốt 4 năm để tiếp tục ở lại làm việc. May mắn hơn các bạn là vừa tốt nghiệp xong, Toàn được nhận công việc đúng chuyên môn tại Cảng Quy Nhơn. Với môi trường làm việc rất năng động, không gò bó về thời gian mà chỉ tính hiệu quả công việc và thu nhập khoảng từ 7 đến 8 triệu đồng mỗi tháng- khá cao so với thời điểm năm 2012. Sau gần 10 năm học tập và công tác tại thành phố, Toàn không nghĩ rằng mình sẽ trở về quê. Vì hoàn cảnh gia đình neo người, ba mẹ ở quê đã già cần người ở bên trong khi các anh chị đều có gia đình và lập nghiệp xa. Riêng Toàn vẫn chưa vướng bận gì nơi thành phố nên gia đình ra sức động viên Toàn về quê. Lúc đầu, Toàn suy nghĩ rất nhiều, hơn 10 năm sống và làm việc tại thành phố, Toàn đã quen với nhịp sống năng động, công việc hiện tại ổn định và cũng thuộc hàng đáng mơ ước của bạn bè đồng trang lứa. Nhưng vì gia đình, Toàn quyết định về quê với bao khó khăn trước mắt:“Khi quyết định về lại quê, tôi suy nghĩ rất nhiều. Mới đầu rất mặc cảm, về thì làm gì, kinh tế ở địa phương như thế nào và mình cũng đã quen với nếp sinh hoạt tại thành phố nên khi trở lại quê lúc đầu sẽ có khó khăn…Trong khi bạn bè đều công tác tại thành phố nên khi nghe tôi quyết định về, nhiều bạn cũng phản đối. Tuy nhiên, với sự động viên của gia đình, cộng với quyết tâm về quê lập nghiệp của bản thân, tôi quyết định: về!”

      Về quê, ban đầu Toàn cũng bỏ công nghiên cứu tìm hướng đi cho mình. Với truyền thống gần 20 năm gia đình làm trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, Toàn tiếp cận và nhận ra đây cũng là lĩnh vực rất tốt để làm kinh tế. Mặc dù thời điểm này, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, giá heo giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ. Toàn chủ động tìm hướng đi mới, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ gia đình, bà con xung quanh. Đồng thời anh lên mạng, qua sách báo, tài liệu để tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi - thú y do địa phương và các ngành tổ chức. Từ gia trại chăn nuôi bò của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi và chuyển sang chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Anh cũng xác định quy trình nuôi khép kín từ bò sinh sản, bê con sinh ra được nuôi vỗ béo ra bò thịt thương phẩm với giá trị kinh tế cao. Quy trình này giúp Toàn chủ động được con giống, quản lý tốt dịch bệnh và giảm chi phí đầu vào, anh cho biết thêm: “ Người chăn nuôi thường bán bê con khoảng 5 đến 6 tháng tuổi. Thường thì bê ở độ tuổi này chỉ phát triển xương, sau 12 tháng thì bê sẽ phát triển rất nhanh, có con ngày tăng trọng 1 ký. Hiện 1 ký hơi gía khoảng 75 nghìn đồng, trừ chi phí thức ăn, chuồng trại, công chăm sóc … thì một ngày mình vẫn thu lời khoảng 30 nghìn đồng một con bò. Trong khi bê con chỉ bán được 6 đến 7 triệu đồng, nếu nuôi tầm 18 tháng, bê trưởng thành sẽ bán được khoảng 35 đến 40 triệu đồng, giá trị kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều”.

     Hiện trang trại của Toàn có khoảng 22 con bò. Nhờ nuôi theo phương thức quay vòng “ gối vụ” nên hàng tháng Toàn đều xuất bán từ 3 đến 4 con bò cho thương lái, vừa quay vòng vốn, giảm rủi ro về dịch bệnh vừa tránh được tình trạng “ được mùa mất giá”. Theo anh, cách nuôi này sẽ hạn chế rất nhiều rủi ro về thời tiết, giá cả… thường xảy ra trong trồng trọt và chăn nuôi. Những phế phụ phẩm từ nông nghiệp xưa nay của người nông dân, qua cách nghĩ, cách làm của Toàn đều là thứ “dùng được” và “ sinh lời”. Ngoài việc tự trồng cỏ trên diện tích đất của gia đình, tới mùa thu hoạch các loại đậu đỗ, ngô,… anh thu gom thân, dây, lá, củ- những thứ “ bỏ đi” của người dân trong vùng về ủ làm thức ăn cho bò. Phân bò cũng được ủ hoai bán cho người dân bón cho cây trồng. Do biết tiết kiệm chi phí, biết cách chăm sóc và biết cách “ rải vụ”, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng từ 200 triệu đồng từ chăn nuôi bò.

     Ngoài chăn nuôi, anh còn là một nhân viên thú y nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, lai tạo đàn bò cho người dân trong và ngoài xã. Đồng thời, anh còn tích cực tham gia hỗ trợ cho thanh niên trong xã có nhu cầu tìm hiểu về chăn nuôi bò. Thấy được hiệu quả kinh tế từ sản xuất, chăn nuôi trên chính quê hương mình, đã có một số thanh niên địa phương cũng từ bỏ điều kiện làm việc ở thành phố, về quê làm kinh tế. Hiện anh đang cùng với địa phương tham gia hỗ trợ 03 mô hình chăn nuôi của các thanh niên này, giúp họ nhanh chóng ổn định chăn nuôi. Là thành viên của gia đình có truyền thống hiến máu tình nguyện, Toàn đã có tổng cộng 18 lần hiến máu. Nói về đoàn viên Nguyễn Thanh Toàn, anh Lê Đức Anh- phó bí thư xã đoàn Tam Quan Nam cho biết: “Là một thành viên trong Ban chấp hành xã đoàn, anh Toàn rất năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động, phong trào của xã. Trong làm kinh tế, anh cũng là tấm gương của rất nhiều đoàn viên thanh niên trong xã. Từ hiệu quả  mô hình nuôi bò của anh, nhiều thanh niên rất tâm huyết và cũng được anh hướng dẫn tận tình. Anh thường xuyên mời thanh niên về tận trang trại của mình “cầm tay chỉ việc” để các bạn đoàn viên dễ dàng thực hiện. Ngoài ra, anh rất nhiệt huyết với các phong trào của thanh niên, đặc biệt là phong trào hiến máu tình nguyện”.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề

Nội dung đang cập nhật...