LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Những sản phẩm làng nghề truyền thống của Bình Định như: Rượu Bầu đá, chiếu cói, nón lá, nón ngựa, bánh tráng, đồ tiện gỗ, đồ đồng... đang trở nên phổ biến trên khắp cả nước và một số được xuất khẩu ra nước ngoài bởi nét độc đáo mang đậm truyền thống văn hóa và mẫu mã đa dạng. Chúng tôi xin giới thiệu một số làng nghề tiêu biểu sau:

Làng nghề truyền thống Rượu Bàu Đá Cù Lâm, Nhơn Lộc

Sản phẩm rượu Bầu đá của Bình Định nổi tiếng khắp cả nước.

Rượu Bàu Đá là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Định, có xuất xứ từ xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn (cách Quy Nhơn khoảng 30km). Rượu Bàu Đá được các gia đình trong vùng chưng cất từ gạo như một nghề gia truyền.

Tương truyền, chính bàu nước trong vùng, nơi hội tụ của những mạch nước ngầm chảy ra từ lòng các ngọn núi xung quanh làm nên danh tiếng, làm nên cái mùi thơm, cái cay nồng đậm đà khó tả của rượu Bàu Đá.

Không chỉ vậy, sự nổi tiếng rượu Bàu Đá còn nằm ở phương pháp nấu rất thủ công. Theo các lão làng có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nấu rượu Bàu Đá cho biết, để có một nồi rượu thơm ngon, người ta phải dùng gạo trì để nấu, mỗi mẻ là 5kg gạo, nấu đúng 6 tiếng đồng hồ và chỉ cất được từ 2,5 - 3 lít rượu.

Về đồ nghề làm rượu, người ta sử dụng củ tre có hình cong, ruột đục rỗng để làm ống dẫn rượu từ lò ra chum. Chum đất hứng rượu phải được bịt kín để tránh rượu bay hơi. Trong thời gian nấu, thông thường người ta chỉ để lửa liu riu, tuy nhiên, vẫn phải thường xuyên lắng nghe giọt rượu nhỏ nhanh hay chậm để thêm hay bớt lửa. Chính vì cách nấu cẩn thận này mà rượu Bàu Đá có hương vị rất tinh khiết và đậm đà.

Hiện nay, rượu Bàu Đá Bình Định đã và đang được người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và du khách nước ngoài rất ưa chuộng. Để sản phẩm rượu Bàu Đá ngày càng nổi tiếng hơn, tỉnh và thị xã đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (cổng làng nghề, làm đường bê tông), cấp 34 nồi nấu rượu bằng đồng đỏ mua từ Đại Bái-Bắc Ninh, chất lượng và năng suất rượu đạt hơn cách nấu bằng nồi bảy truyền thống, và lượng chất đốt tiêu hao để chưng cất mỗi lít rượu thành phẩm ít hơn và hỗ trợ chi phí tham gia các kỳ Hội chợ, triển lãm để tiếp thị thương hiệu.

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận Làng nghề Rượu Bàu Đá Cù Lâm đạt tiêu chí làng nghề truyền thống.

Làng nghề dệt chiếu cói

Nghề dệt chiếu cói vốn là nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời ở Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn và một số địa phương khác ở Bình Định. Chiếu dệt có rất nhiều loại: chiếu khổ rộng, khổ hẹp, chiếu trơn và chiếu hoa.

Nghề dệt chiếu cói vốn truyền thống của người dân Hoài Nhơn.

Chiếu trơn làm tương đối đơn giản bởi chiếu được dệt từ cói trắng không nhuộm màu. Dệt chiếu hoa công phu hơn nhiều. Chiếu hoa ở Bình Định không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi cói về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo từng chủ. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng. Phẩm nấu lên và nhúng sợi cói vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Những sợi cói màu sau khi phơi khô, được đem dệt thành chiếu hoa. Thường trên một chiếu hoa, ở giữa có chữ thọ, chữ song hỷ, hoặc chữ trăm năm hạnh phúc,… Còn ở bốn góc thì là tứ linh hoặc bốn hoa văn lớn, bốn góc xung quanh có hoa văn trang trí nhiều kiểu, nẹp ngoài hai đường kẻ hoặc đỏ hoặc xanh, trông rất trang nhã hài hòa.

Trong những năm qua hoạt động làng nghề phát triển, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong làng nghề. Theo thống kê của UBND xã, các thôn có hộ dân làm nghề dệt chiếu là 1.525 hộ thì có gần 700 hộ sinh sống bằng nghề này. Nhằm nâng cao giá trị của cây cói cũng như giải quyết được nhiều việc làm hơn, bên cạnh nghề dệt cói, người dân Bình Định còn sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói như: mũ, túi xách, đệm chà chân… Tại thời điểm đề nghị công nhận tổng số hộ cùng ngành nghề là 780 hộ, chiếm 51% so với tổng số hộ dân trong thôn; số lao động tham gia cùng ngành nghề 1.525 người chiếm 25% so tổng số lao động trong thôn;

Làng nghề dệt chiếu cóiđã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống.

Làng nghề Bánh tráng Trường Cửu, Nhơn Lộc

Đến xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), đi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những vỉ bánh tráng phơi dọc hàng rào hai bên đường. Trong số sáu thôn của xã, Trường Cửu là nơi sản xuất bánh tráng nhiều nhất nên được mệnh danh là làng bánh tráng Trường Cửu. Bánh tráng ở đây không trắng, mỏng như loại thường thấy ở các chợ, mà dày và đen hay vàng còn tùy vào loại mè người ta bỏ vào bánh.

      Làng nghề Bánh tráng Trường Cửu, Nhơn Lộc góp phần phát triển kinh tế.

Cũng như bao làng quê khác làm nghề tráng bánh ở Bình Định, người phụ nữ ở Trường Cửu đóng vai trò chính trong công việc này. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, họ đã thức dậy, ngâm gạo, xay và pha bột. Kế đến là đốt lò và đặt lên đó một nồi nước lớn có căng tấm vải trên miệng nồi để làm khuôn. Đợi nước sôi, họ dùng một vá dừa nhỏ, múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy nắp lại; bột “quây” phải đều, nếu không chiếc bánh sẽ bị chỗ thật dày, chỗ thật mỏng. Một lát sau, họ dùng cái nẹp tre hay chiếc đũa lớn vớt bánh ra, trải lên vỉ tre, mang đi phơi. Tuy vất vả là vậy nhưng nghề bánh tráng được xem là nghề ổn định của những những vùng nông thôn thuần nông.

Trong khi một số làng nghề khác đang chịu nhiều sự cạnh tranh gay gắt và có nguy cơ bị mai một, thì làng bánh tráng Trường Cửu ngày càng được mở rộng vì có đầu ra ổn định. Có lẽ bởi bánh tráng Trường Cửu có chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả lại hợp lý. Hiện trung bình một ngày, các hộ làm ra khoảng 50 đến 70 kg bánh (khoảng 40 ràng), có hộ làm đến cả tạ bánh. Thời gian làm bánh cao điểm là từ tháng tám đến tháng chạp âm lịch, để chuẩn bị bán Tết. Trường Cửu vào những ngày này nhộn nhịp như hội, nhà nhà làm bánh, người người làm bánh. Các hộ trong làng thức cả ngày lẫn đêm, để pha bột, tráng bánh, phơi bánh.

Làng nghề truyền thống Tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, Nhơn Hậu

Tiện gỗ mỹ nghệ là nghề truyền thống ở thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, cách Quy Nhơn khoảng 30km về hướng Tây Bắc.

Làng tiện gỗ Mỹ nghệ Nhạn Tháp khi xưa chỉ chuyên tiện chân bàn ghế, các trụ chỉ tròn tủ bàn, đèn thờ… Khi xóa bao cấp, có vài người thợ tiện trẻ tiếp cận thị trường, rong ruổi trên các chuyến tàu xuyên việt, chào bán các đồ chơi trẻ em hay đồ dùng trang trí bằng gỗ tiện đơn sơ như: gạt tàn, quả địa cầu, bộ bình trà… được các trung tâm du lịch tiêu thụ.

Các công nhân làng nghề truyền thống Tiện gỗ mỹ nghệ đang thực hiện các công đoạn cuối cùng của sản phẩm.

Các sản phẩm của làng nghề nổi tiếng không chỉ bởi chất lượng, sự tinh xảo mà còn ở chỗ mang tính đặc trưng của văn hóa  Bình Định. Các sản phẩm hiện nay của làng nghề không chỉ được tiêu thụ mạnh trong vùng, các tỉnh lân cận mà còn được xuất khẩu sang một số nước khác như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,…

Đến với làng tiện mỹ nghệ Nhơn Hậu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo làm từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân lành nghề nơi đây, được trực tiếp hòa mình vào các sinh hoạt của làng nghề.

Theo quy hoạch của tỉnh, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường các làng nghề, sân bãi đậu xe, xây dựng nhà truyền thống để trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và ban hành các chính sách thu hút khách du lịch; tổ chức sắp xếp lại sản xuất, đăng ký chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã và đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách tham quan du lịch. Giai đoạn năm 2011 đến năm 2020, vốn đầu tư dự tính 7,4 tỉ đồng, sẽ tiếp tục phát triển sản xuất và nâng cấp các công trình phục vụ du lịch ở các làng nghề nói trên.

Làng nghề nón ngựa

Chiếc nón ngựa làm một cách khéo léo và tỉ mẫn.

Nón ngựa là một trong những đặc sản của quê hương Bình Định. Hiện nay, ở Cát Tường, huyện Phù Cát có khoảng 120 hộ có nghề làm nón ngựa. Ngoài Phú Gia, những thôn lân cận như Kiều Đông, Xuân Quang cũng làm, tuy nhiên chủ yếu vẫn là ở Phú Gia, với khoảng 70 – 80 hộ làm, chiếm 10% tổng số hộ của thôn. Theo những người cao niên ở làng thì tuy nghề làm nón ngựa ở đây vẫn được tiếp tục duy trì nhưng dường như những chiếc nón đẹp và sắc sảo như cách đây vài chục năm ngày càng hiếm. Một chiếc nón ngựa thường phải qua bốn công đoạn:

- Tạo sườn mê: Rễ cây giang lấy từ trên núi đem phơi khô, chẻ thành những sợi nhỏ mỏng như sợi cước. Cách thức đan nang theo kiểu đan giỏ, các lỗ nang có hình lục giác tạo thành một miếng mê lớn.

- Thắt nang sườn: Đặt miếng mê lên khuôn nón mẫu, khâu vành nang dưới cùng để tạo sườn hình nón. Tiếp đến là khâu sườn đứng và sườn ngang bằng các sợi giang có kích cỡ như sợi tăm. Hai công đoạn làm sườn nón này phải do những người thợ chuyên nghiệp thực hiện để cho những người thợ làm nón bình thường thực hiện tiếp các công đoạn sau.

- Thêu hoa văn trên sườn: Thông thường được thêu hoa văn theo các đề tài long, lân, quy, phụng; lưỡng long tranh châu; mai lan cúc trúc; câu thơ; câu đối hoặc những cảnh vật trên nang sườn.

- Công đoạn cuối cùng là lợp lá chằm chỉ. Lá kè tươi phải được hái về từ vùng núi Vĩnh Thạnh, Gia Lai sẽ được xử lý công phu, tướt bỏ sống lá, phơi khô trong bóng râm, đặt trên chậu lửa và lồng tre để xông lá cho chín, sau đem ra ngoài trời phơi sương, hơ lửa để vuốt cho lá được thẳng, phẳng. Người thợ dùng kéo chuyên dụng có bản mỏng, lưỡi dài để cắt lá thành từng miếng nhỏ theo chiều cao nón. Xếp chồng mép mí lá bủa (xòe) đều xung quanh sườn nón từ đỉnh xuống. Chằm (khâu) lá vào sườn nón, chỉ chằm nằm dưới mí lá nên nhìn bên ngoài không thấy đường chằm. Chằm xong, người thợ cắt bỏ những sợi chỉ thừa dính trên bề mặt nón và không quên trang trí một đùm chỉ ngũ sắc ở đỉnh nón.

Làng nghề truyền thống Rèn Tây Phương Danh, Đập Đá

Nằm trên địa bàn phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 30km, nghề rèn có mặt ở Tây Phương Danh phải có đến 300 năm.

Thời này khi nông nghiệp phát triển mạnh nên khắp nơi rất cần các loại nông cụ được làm bằng kim khí. Cụ tổ là ông Đào Giã Tượng mang nghề từ phương Bắc vào truyền thụ cho người dân địa phương để làm kế sinh nhai cho bà con trong vùng, vừa phục vụ sản xuất. Rồi từ đó nghề rèn duy trì và ngày càng phát triển. Đến nay, Làng rèn Tây Phương Danh có đến hơn 300 hộ trong tổng số 436 hộ dân đang làm nghề rèn. Không chỉ phát triển về số lượng mà cả về chất lượng sản phẩm của làng rèn cũng ngày được nâng cao và đa dạng về chủng loại, nhưng nhiều nhất vẫn là các nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Một số lò rèn trong làng còn nhận cả hợp đồng sản xuất đinh ốc dùng để đóng tàu biển. Hiện nay, sản phẩm của làng rèn Tây Phương Danh đã có mặt khắp nơi trong cả nước, nhất là vùng đất Tây Nguyên. Cũng từ nghề này, người dân làng rèn đã có cuộc sống ổn định, không ít hộ đã trở nên giàu có.

Hàng năm, để nhớ ơn người khai sinh ra nghề rèn, người dân Tây Phương Danh đã tổ chức Lễ hội làng rèn vào ngày 12 tháng 2 âm lịch. Lễ hội này không những quy tụ những hộ đang làm nghề tại địa phương mà còn lôi cuốn cả những người ngoài tỉnh. Ngoài ra lễ hội còn thu hút sự tham gia của những nghề có liên quan đến nghề rèn như nghề sắt. Có nhiều hộ đã mang nghề truyền thống của làng mình đi lập nghiệp phương xa cũng không bỏ lỡ dịp này, sắp xếp về quê để kịp trẩy hội cùng bà con.

Năm 2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã công nhận Làng nghề Rèn Tây Phương Danh đạt tiêu chí Làng nghề truyền thống.

Làng nghề đúc đồng Bằng Châu

Nghề đúc đồng Bằng Châu ở Đập Đá (An Nhơn, Bình Định) là một trong các làng nghề truyền thống có từ lâu đời. Làng nghề có nhiều điểm tương đồng như các làng đúc đồng truyền thống trong cả nước về cách làm khuôn, nấu đồng, pha chế.

Các sản phẩm tiêu biểu của làng nghề.

Ðể có một sản phẩm đồ đồng ra lò hoàn chỉnh thì phải qua một số công đoạn như lấy nguyên liệu, chế biến nguyên liệu, chế tạo khuôn đúc, xây dựng, sửa chữa nhà đúc, lò đúc, lắp ráp khuôn đúc chế tạo sản phẩm và tiến hành kỹ thuật đúc.

Trước kia ở làng đúc Bằng Châu, những nhà làm nghề đúc đồng thường tập hợp lại thành từng vùng, cụm và sản phẩm gồm các loại như: mâm, nồi, chảo, đèn thờ… Thời kỳ đầu mới sản xuất, sản phẩm còn thô sơ, quy trình chế tạo khuôn đúc tốn nhiều công sức, khuôn ngoài và khuôn trong chỉ dùng đúc được một lần, thời gian tháo khuôn phải mất 12 giờ đồng hồ, có cái phải đập bỏ không sử dụng lại được. Dần dần, làng nghề rút kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, đồng thời học hỏi, giao lưu với các làng đúc khác, nên sản phẩm làm ra ngày một tinh xảo, mang tính mỹ thuật cao. Sản phẩm cũng đa dạng hơn như các loại đèn thờ, nồi, bung, mâm, hộp đựng trầu, khay, chiêng cồng… và các loại vật dụng trang trí.

Cùng với thời gian, nghề đúc đồng ở Bằng Châu không những không bị mai một, mà còn được tạo điều kiện phát triển. Bà con trong làng vừa giữ được nét độc đáo riêng của một làng nghề truyền thống, vừa biến nghề truyền thống trở thành nguồn sinh lợi chính đáng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của địa phương.

Làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri

Cách Quy Nhơn khoảng 80km, Hà Ri là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc BaNa nhất Bình Định nên vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm. Khi rổi việc hoặc những lúc nông nhàn, chị em phụ nữ lại miệt mài bên khung cửi để dệt ra những tấm vải thổ cẩm đẹp nhất cho mình và cho gia đình.

Những cô gái BaNa bên khung dệt.

Nghề dệt thổ cẩm ở các làng Bana trước đây, khi còn phải tự làm sợi, cứ quãng tháng ba, tháng tư là bà con lên rẫy trồng bông, đến tháng tám, tháng chín thì bông được thu hoạch. Quả bông đem phơi khô rồi kéo ra và quay thành sợi. Còn với nguyên liệu dệt bằng cây gai thì lấy dao cạo lớp vỏ bên ngoài, đập dẹp, đem phơi khô rồi dùng tay xé nhỏ, xoắn hai, ba sợi lại đem ngâm với nước vo gạo cho sợi kết lại... Thuốc nhuộm là củ, vỏ cây được lấy từ rừng về, đem nấu và vắt lấy nước. Sợi được ngâm vào thuốc, qua một đêm vớt ra, phơi khô sau đó đưa lên sa quay thành từng cuộn theo từng màu sắc riêng biệt. Đó là phần nguyên liệu, còn khung dệt chỉ là một khung gỗ, bộ sa quay để kéo sợi.

Để dệt một tấm chăn hay một tấm vải đủ may một bộ áo váy nữ nếu rảnh lúc nào làm lúc nấy phải mất cả tháng trời, còn nếu dệt ròng thì cũng khoảng bốn đến năm ngày.

Về cách dệt thổ cẩm thì kỹ thuật của người Bana tương đối giống với một số dân tộc khác như Chăm, H’rê. Song về hoa văn, họa tiết trang trí thì có nhiều nét khác nhau. Thổ cẩm của người Bana K’riêm ở Vĩnh Thạnh dùng nhiều họa tiết hoa văn hình học với các đường thẳng, đường cong, hình tam giác. Họa tiết thường là những nét hoa văn li ti chồng lên nhau tạo thành một dải phức hợp quanh một mẫu trang trí chính là ngôi sao tám cánh dệt trên nền trắng. Người Bana chọn màu đen làm màu chủ đạo trong trang trang phục thổ cẩm kết hợp với các màu đỏ, trắng và điểm một ít màu vàng, xanh non tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản.

Hiện nay ở mỗi làng miền núi ở Vĩnh Thạnh có khoảng từ mười lăm đến hai mươi khung dệt và cũng chừng ấy người làm nghề dệt, chủ yếu là những người đã trên bốn mươi tuổi. Ngày nay, ngoài các sản phẩm phục vụ cho gia đình, các cô gái BaNa ở Hà Ri còn dệt ra các sản phẩm thủ công như: túi xách, ví, khăn quàng cổ, khăn trải bàn…

Làng nghề Gốm Vân Sơn

Phơi gốm.

Làng gốm Vân Sơn nằm về phía đông dưới chân núi Long Cốt thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn cách Quy Nhơn khoảng 30km về hướng Tây Bắc. Nghề làm gốm ở đây xuất phát từ làng gốm Nhạn Tháp kề bên và có cách đây ít nhất cũng 300 năm.

Hiện nay ở Vân Sơn các gia đình làm nghề gốm tập trung ở xóm Trong và xóm Mới. Đất làm gốm là đất sét trắng ngà không lẫn sạn mà chỉ vùng này mới có đủ loại: chum, vò, am, chậu, thạp, bộng giếng, ấm, nồi … to nhỏ khác nhau. Lại có cả đồ chơi trẻ em bé xíu như: heo đất, bếp lò, nồi, ấm cho các bé chơi đồ hàng. Nhưng làm nhiều, bán chạy hơn cả là các loại chậu hoa cảnh và bếp lò than.

Làng nghề chế biến thảm xơ dừa Tam Quan

Nói về cây dừa Bình Định, là người ta nghĩ ngay về xứ dừa Tam Quan, nơi mà câu ca dao không biết từ bao giờ vẫn còn vang vọng:

“Công đâu công uổng công  thừa

Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”

Theo đó, ngành nghề chế biến các sản phẩm từ dừa Tam Quan ở Hoài Nhơn cũng được hình thành, nổi bật nhất là sản phẩm thảm xơ dừa. Các sản phẩm xơ dừa của Tam Quan với nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường, mẫu mã đẹp, phong phú, có độ bền cao đã có mặt khắp nơi trên cả nước và xuất khẩu sang một số nước khác trên thế giới. Hiện nay, nhằm tăng giá trị cho các sản phẩm từ dừa, ngoài thảm xơ dừa, các cơ sở sản xuất một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa như: con cá heo, con ba ba, hộp đựng trà từ miễn dừa; giá để bình rượu từ thân dừa; giỏ xách tay, lẵng hoa từ cọng lá dừa...

Làng nghề truyền thống Nón lá

Gọi là nón Gò Găng, bởi nón được bán sỉ ở chợ nón Gò Găng (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn), còn thật ra, nghề làm nón truyền thống trải khắp các làng Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn).

Chiếc nón Gò Găng bây giờ là sự kết hợp hài hòa giữa nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa ngày xưa. Nó tiết kiệm được nguyên vật liệu, giảm tính cầu kỳ thái quá, hợp với dân lao động một nắng hai sương. Nón được kết bằng những vành tre cật, chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mể sườn. Bên ngoài phủ lớp lá kè non chằm bằng những mũi chỉ tàu thơm trắng muốt và đều đặn.

Mỗi nón phải xây với 18-19 lá ở độ tuổi thích hợp. Nếu lá quá tuổi sẽ dẫn đến màu vàng như nón mắc mưa, thếp lá dày không thanh mảnh; lá nhỏ tuổi thì nhiều gân xanh, làm cho mặt nón thô nhám mất đi vẻ mượt mà dễ cảm. Đầu mối chính của nghề nón là chợ nón Gò Găng họp thường xuyên từ 3, 4 giờ sáng. Cứ hết một đợt làm được 25- 30 chiếc thì bà con các vùng phụ cận lại mang nón đến bán và mua sắm vật liệu cho đợt sau. Bắt nguồn từ nơi đây, mỗi tháng Gò Găng có thể cung cấp cho cả nước hơn 50.000 chiếc nón. Tháng ế nhất cũng gần 20.000 chiếc. Trong mấy năm trước đây, nón Gò Găng còn được xuất sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc... dưới dạng cải biên hình thức cho hợp với xứ người. Từ vùng núi cao nguyên mưa nguồn gió dữ đến các miệt vườn Nam bộ, nón lá Gò Găng đã trở thành vật dụng thân thiết cho mọi người lao động.

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận Làng nghề Nón lá Gò Găng đạt tiêu chí làng nghề truyền thống.

Nghề sản xuất Tôm tre

Từ ngàn xưa tre đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân, là biểu tượng của văn hóa làng xã Việt Nam. Rất nhiều các sản phẩm sinh hoạt hằng ngày của người dân Việt Nam đã được làm từ cây tre. Không chỉ vậy, ngày nay, qua bàn tay khéo léo của các người thợ thủ công tại thị trấn Bình Định (An Nhơn), tre đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sản phẩm con tôm làm bằng tre rất được du khách ưa thích.

Các sản phẩm của làng nghề.

Làng nghề truyền thống Đúc kim loại Bằng Châu, Đập Đá

Làng nghề đúc kim loại Bằng Châu có trên 200 năm, do ông tổ làng nghề Nguyễn Thiện gốc Ý Yên - Nam Định truyền dạy. Trước năm 1954, sản phẩm làng nghề rất nổi tiếng và đa dạng về chủng loại như: chảo gang, nồi đồng các loại, đồ thờ, tượng, chuông, khuôn ngói… Từ năm 1954 đến năm 1975, sản phẩm đồng gồm: bình hoa, lư, đồ thờ cúng, nồi bảy dùng tráng bánh tráng hay nấu rượu… Sau năm 1975, sản phẩm chuyển qua đúc nhôm: đồ gia dụng nhà bếp; đúc đồng: đồ phụ tùng tàu thuyền như chân vịt, trục láp chân vịt; đúc gang: ổ đỡ, bánh đà, bơm nước…

Chế tác sản phẩm từ kim loại.

Khoảng 10 năm trở lại đây, hình thành các xưởng chuyên đúc đồng, nhôm, gang. Các sản phẩm nhôm như: đầu nối ống nước, puli, ổ đỡ, vỏ bơm nước…; sản phẩm gang như: các loại bơm nước, các loại bánh đà, bánh đai, các phụ kiện cho công nghiệp gỗ ngoài trời, trụ đèn trang trí…

Các sản phẩm có chất lượng, có thị trường, đặc biệt mạnh ở các tỉnh Cao nguyên và duyên hải miền Trung, khoảng 10 cơ sở đúc lớn và 30 cơ sở dạng hộ gia đình, thu hút khoảng 400 lao động. Tuy nhiên sản xuất không liên tục, công nghệ còn lạc hậu.

Nhằm củng cố nghề đúc, năm 2008 đã thành lập Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu. Để tăng giá trị sản phẩm đúc đồng, tỉnh, huyện và Cục Khuyến công đã hỗ trợ kinh phí, dạy nghề chạm khảm tam khí (khảm đồng đỏ, bạc và vàng) trên sản phẩm đồng (du nhập từ làng nghề khảm bạc Đồng Xâm-Kiến Xương-Thái Bình).

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất lớn đều tập trung tại cụm công nghiệp Gò Đá Trắng, thị trấn Đập đá. Các doanh nghiệp này đầu tư nhà xưởng lớn, như doanh nghiệp Dũng đầu tư 2 lò nung trung tầng để nấu gang hay nấu thép, công suất mỗi lò nung 1,2 tấn cho chất lượng kim loại đúc theo yêu cầu. Nhờ các cơ sở đúc kim loại lớn và các cơ sở mua phế liệu sơ chế đúc nguyên liệu nhôm đồng, nên sản lượng của ngành đúc kim loại khá cao và liên tục tăng.

Ban biên tập (tổng hợp)