Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, Nam giáp tỉnh Phú Yên, Tây giáp tỉnh Gia Lai, Đông giáp Biển Đông. Bình Định có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Vùng đất võ nổi danh này có cảnh quan thiên nhiên phong phú và có bề dày lịch sử văn hóa - một vùng đất giàu tiềm năng về phát triển du lịch.


Bảo tàng Quang Trung

Bình Định là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Nơi đây còn lưu giữ được khá nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể quý, rất có giá trị. Bình Định đã từng là cố đô của vương quốc Chăm-pa xưa, hiện đang sở hữu, bảo tồn thành cổ Đồ Bàn cùng hệ thống Tháp Chăm gồm 7 cụm, 14 tháp với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, bí ẩn. Bình Định còn là nơi phát tích của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (thế kỷ XVIII), quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, là nơi nuôi dưỡng tài năng nhiều nhà văn hóa lớn của đất nước như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Bình Định có tới 234 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có hơn 60 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Bảo tàng Quang Trung, cùng với hàng loạt di tích về phong trào Tây Sơn là những địa chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu và du khách quốc tế. Đến Bình Định, du khách sẽ còn biết đến một tinh thần thượng võ nổi tiếng, được mục sở thị những màn biểu diễn võ thuật điêu luyện và biểu diễn trống trận Tây Sơn (12 trống) đẹp mắt, tinh tế chỉ có ở miền đất này.

 

 


Tháp Bánh Ít

Địa hình của Bình Định đa dạng gồm có núi, sông, hồ và gần 150.000 ha rừng tự nhiên tạo nên một bức tranh thiên nhiên đa sắc màu với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: thắng cảnh Hầm Hô, hồ Núi Một, Núi Bà... Đây là điều kiện lý tưởng để tỉnh Bình Định phát triển các loại hình du lịch sinh thái, leo núi, nghỉ dưỡng... Bình Định có 134 km bờ biển trải dọc phía đông của tỉnh với gần một nửa số huyện, thành phố giáp biển, được thiên nhiên ban tặng vô số những thắng cảnh và bãi biển đẹp, với nhiều đảo, bãi tắm lớn, nhỏ… Có thể liệt kê hàng chục các danh thắng, bãi biển đẹp có tiềm năng phát triển mạnh loại hình du lịch biển như: Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Quy Hòa, Bãi Dài, bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại, Cù lao Xanh, Hải Giang, Nhơn Lý, Eo Gió, Phú Hậu, Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh, Mũi Rồng - Tân Phụng, Lộ Diêu, Hoài Hương, Tam Quan Bắc… Hầu hết các bãi biển đều tương đối bằng phẳng, cát trắng, nước biển trong xanh, ngập tràn ánh nắng và có cảnh quan đẹp. Các bãi tắm đẹp phân bố nhiều nhất là ở khu vực Quy Nhơn và vùng phụ cận, rất thuận lợi cho việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng thành các cụm, tuyến du lịch biển tập trung, liên hoàn.

Điểm đến hấp dẫn nằm giữa lòng TP. Quy Nhơn bình yên thơ mộng là bán đảo Phương Mai – cầu Thị Nại nối liền với khu kinh tế Nhơn Hội, cách trung tâm Thành phố 8km về hướng Đông Bắc. Có diện tích chừng 300ha, núi Phương Mai – nơi còn bảo tồn được hệ sinh thái tương đối phong phú với nhiều loại cây, động vật quý hiếm. Cạnh núi Phương Mai là đầm Thị Nại. Đây là một quần thể sinh thái rất phong phú và tuyệt đẹp, mang lại những giá trị vật chất và tinh thần cho người dân phố biển. Một loại hình du lịch mới thu hút và hấp dẫn du khách là đồi trượt cát bãi biển Nhơn Lý, thuộc bán đảo Phương Mai. Đến đây, du khách chinh phục độ cao 100m, trên hành trình chinh phục du khách sẽ thấy sự bao la của thế giới cát, vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của nó, những doi cát được thay hình đổi dạng hằng ngày, hàng giờ bởi gió ngàn khơi của biển đảo, phóng túng và phiêu bồng suốt ngày đêm.


Cầu Nhơn Hội

Với những tiềm năng du lịch lớn như vậy, ngành du lịch Bình Định đã đưa ra những giải pháp phát triển du lịch dài hơi, giai đoạn 10 năm tới (2010 - 2020); trong đó có giải pháp quy hoạch các làng nghề truyền thống: gỗ mỹ nghệ, chằm nón, nấu rượu Bầu Đá, làm bún Song thằn.. để phục vụ du lịch. Mặt khác, tỉnh cũng có quyết định ưu tiên khai thác mở rộng thị trường du lịch truyền thống, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái... UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch đầu tư, tu bổ, nâng cấp một số di tích trọng điểm như: mở rộng Bảo tàng Quang Trung thuộc cấp quốc gia quản lý, xây dựng lại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, xây dựng thêm một Bảo tàng Chăm ... Đồng thời, ngành du lịch đã thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin tư liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu rộng rãi tiềm năng du lịch, các dự án, chính sách phát triển du lịch địa phương đến đông đảo du khách, các nhà đầu tư kinh doanh du lịch trong và ngoài nước.

 

Ban biên tập (tổng hợp)