CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM A(H1pdm)
Tính đến ngày 20/11/2024, toàn tỉnh Bình Định đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm và giám sát 22 trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút, kết quả xét nghiệm có 09 trường hợp dương tính với cúm A(H1pdm) có địa chỉ tại Quy Nhơn (04 trường hợp), Phù Mỹ (03 trường hợp), An Nhơn (01 trường hợp) và Vĩnh Thạnh (01 trường hợp). Trong đó ghi nhận có 04 trường hợp tử vong tại Phù Mỹ (03 trường hợp) và Vĩnh Thạnh (01 trường hợp). Hiện nay tình hình cúm A(H1pdm) đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao.
Để triển khai công tác phòng, chống cúm A(H1pdm) có hiệu quả, Đảng ủy đề nghị UBND phường, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phường, các Chi bộ trực thuộc Đảng uỷ tập trung phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Xác định công tác phòng, chống cúm A(H1pdm) là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành, các cấp thực hiện tốt các biện pháp do UBND tỉnh, Ủy ban nhân dân thị xã, UBND phường và cơ quan chức năng đề ra, đảm bảo kịp thời phòng, chống cúm A(H1pdm) tại địa phương, đơn vị.
2. Phối hợp tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thị xã, UBND phường và cơ quan chức năng về công tác phòng, chống cúm A(H1pdm); thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các tầng lớp dân trong thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống, cụ thể:
Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A(H1N1) gây nên. Người mắc bệnh cúm A(H1N1) có biểu hiện như hội chứng cúm mùa, diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng: sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, đau đầu, rét run, mệt mỏi; một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, đến viêm phổi nặng và tử vong.
Thời kỳ ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày.
Thời kỳ lây truyền của bệnh từ 1 ngày trước cho tới 7 ngày sau khi khởi phát. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh từ người sang người qua đường hô hấp, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Nếu được điều trị sớm thì có thể giảm biến chứng và tử vong.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
3. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
3. Trước tình hình cúm A(H1pdm) đang diễn biến phức tạp, cần tuyên truyền, vận động người dân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với cơ quan chuyên môn để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống cúm A(H1pdm) theo yêu cầu của cơ quan chức năng.